Chat via Messenger Chat via Messenger



https://www.linkedin.com/in/tiến-vững-nguyễn-327b411b0/ https://www.linkedin.com/in/tiến-vững-nguyễn-327b411b0/

Chat via Zalo Chat via Zalo

Chat via Viber Chat via Viber

 

 

0976 114 888 - 0964 07 99 55

dichthuattranphu@gmail.com
 
 
 
  TIN TỨC - SỰ KIỆN

Tin tức - Công ty Trần Phú

 

Tin tức Trong nước - Quốc tế

 

Tin chuyên ngành

 

Tin tuyển dụng

 

  Hỗ trợ trực tuyến
Skype Chat Online Chat với chúng tôi qua Skype
 - BUSINESS DEPARTMENT
Skype Chat Online Chat với chúng tôi qua Skype
 Ms Nhung 0964 07 99 55

 
  Chuyên mục:   TIN TỨC - SỰ KIỆN   Tin chuyên ngành  

  Dịch thuật và học thuật

 

Dịch thuật là tăng nội lực cho số đông để các thế hệ sau bay cao, bay xa. Không có cái nền chung ấy, những “sáng tạo” đột xuất cũng khó có chất lượng ngoài chút hư danh của kẻ “múa gậy vườn hoang” và trái với tính “công truyền” (chứ không phải “bí truyền”) vốn là bản chất của khoa học và với lý tưởng nhân văn, khai sáng của triết học đích thực.

Dịch thuật và học thuật
Dịch thuật và học thuật
Báo Điện tử TS đang mở diễn đàn với chuyên đề “Thực trạng dịch thuật ở Việt Nam” và có nhã ý đề nghị tôi tham gia ý kiến. Tôi không am tường lắm về “thực trạng dịch thuật” chung của cả nước, nên chỉ xin góp vài ý kiến trong phạm vi hẹp là việc dịch triết học Tây phương sang tiếng Việt, lãnh vực mà tôi có hiểu biết chút ít. Để ngắn gọn, tôi xin phép phát biểu theo kiểu “gạch đầu giòng”:

1. Cần đặt việc dịch thuật vào khuôn khổ chung của việc xây dựng nền học thuật nước nhà:

Trong lãnh vực triết học, hiện có hai luồng ý kiến:

a) không nên dịch; “dịch là phản”. Muốn tìm hiểu hay giao lưu với tư tưởng Tây phương, phải cố trực tiếp đọc bản chính bằng ngoại ngữ. Lý do thường nêu là trình độ có hạn của những người dịch và cả khả năng diễn đạt còn yếu của tiếng Việt cũng như truyền thống ít chuộng lý luận của nước ta.

b) dịch là công việc thứ cấp, nhai lại cặn bã của cổ nhân và của người khác. Hãy “sáng tạo” và tự làm nên những công trình của riêng mình!

Các ý kiến ấy đều có chỗ đúng, nhưng tôi e là do chưa thấy hết mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại của dịch thuật và học thuật. Học thuật theo nghĩa hẹp là nền giáo dục, nhất là nền giáo dục, nghiên cứu ở đại học, và theo nghĩa rộng là nền “tư văn”, là đời sống và hoạt động khoa học, tinh thần của cả một đất nước.

Có vô số ví dụ đáng suy nghĩ chung quanh vấn đề này trong lịch sử phát triển tư tưởng của các nước; chỉ xin thử nêu một số:

+ Ngài Trần Huyền Trang (Thầy Tam Tạng) tổ chức dịch kinh một cách quy mô và có phương pháp nên đã đặt nền móng vững chắc cho Phật học ở Đông Á, nâng chất lượng của Hán văn lên một trình độ mới hẳn. Các “tân thư” (Darwin, H. Spencer, Rousseau, Montesquieu…) được dịch ở Nhật và Trung Quốc vào thế kỷ 19 mở đường cho cách mạng dân chủ và canh tân xã hội. Không ít những thuật ngữ ngày nay chúng ta đang dùng (chẳng hạn ngay chữ “Triết học”!) cũng là nhờ công lao của các dịch giả Nhật và Trung Quốc ấy… Đó là chưa nói đến các cống hiến tiền phong của nhiều học giả Việt Nam thế hệ trước đây.

+ Ngay tại Châu Âu, tác phẩm chính của Adam Smith được dịch ngay ra tiếng Đức cùng trong năm 1776 [i] nhờ đó Kant, Hegel… mới được đọc và đã kịp thời mở rộng kích thước xã hội, kinh tế-chính trị trong tư tưởng của mình. Các tác phẩm chính của M. Heidegger - tưởng như “không thể dịch được” - đã sớm được các dịch giả có chân tài dịch sang tiếng Pháp với sự hỗ trợ của chính tác giả, nhờ đó gây nên phong trào “triết học hiện sinh” sôi nổi ở Pháp… Trong khi đó, vì dịch quá muộn (chậm hơn 40 năm giữa hai nước láng giềng!) tác giả có tên tuổi lớn ở Pháp là Gaston Bachelard[ii] hầu như không được biết đến ở khu vực sử dụng tiếng Đức khiến giới triết học Đức hiện nay ân hận mãi!

+ Về ngôn ngữ, ngoài ví dụ rực rỡ và quen thuộc của Thầy Tam Tạng trên đây, dịch thuật góp phần rất lớn vào việc cải biến, xây dựng và nâng cao ngôn ngữ khoa học của nhiều nước. Ngày nay, ai cũng phải thừa nhận tiếng Đức là ngôn ngữ uyên thâm về triết học và khoa học. Nhưng đâu phải “trời sinh ra thế” và cũng chỉ mới được “như thế” từ khoảng 200 năm nay thôi! Thế kỷ 18, mọi người đều viết bằng tiếng Latinh (ngay cả Leibniz và Descartes) vì ai cũng cho rằng tiếng bản ngữ là “nôm na mách qué!”. Nhờ Martin Luther “đánh bạo” dịch kinh Thánh sang tiếng Đức mới bắt đầu có ngôn ngữ văn xuôi Đức trôi chảy. Rồi nhờ Ch. Wolff và Kant cố gắng dịch các thuật ngữ Latinh sang tiếng Đức mới đặt được nền móng cho ngôn ngữ triết học Đức ngày nay… Còn trong tiếng Anh, đó là công của những J. Locke, David Hume, Berkeley…

Tóm lại:

không cá nhân hay quốc gia nào dám cho rằng mình là “đỉnh cao”, là “quê hương” của tư tưởng, khoa học mà không lo học hỏi người khác và nước khác.

dịch sớm và dịch cái đáng dịch là cách nhanh nhất để bắt kịp thiên hạ.

dịch đúng và dịch hay góp phần vun bồi hay thậm chí nâng cao ngôn ngữ và trình độ tư duy của cả một dân tộc.

không ngôn ngữ nào là “kém”, là “nôm na mách qué” cả, chỉ có người viết và người dịch kém mà thôi. (Tiếng Việt, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nay đã trưởng thành, có tiềm lực thẩm mỹ, tư biện và khoa học không thua kém ngôn ngữ nào khác, lại có trữ lượng thuật ngữ hầu như vô tận từ nguồn “đồng văn” Trung, Nhật…).

Một số hệ luận có thể rút ra là:

Bạn hãy cho tôi biết nước bạn đã dịch được những gì, tôi sẽ nói cho bạn biết nền học thuật của nước bạn hiện như thế nào!

Xét học thuật theo nghĩa hẹp là nền giáo dục đại học, ta thấy:

+ sau nhiều bước cải cách, ở đại học các nước phương Tây, nhất là khoa Triết, hầu như chỉ còn có những giáo sư rất nổi tiếng, tầm cỡ “triết gia” mới dám “đọc cours” (“giáo trình”), nếu không sẽ chẳng có sinh viên nào đến nghe, vì “dự cours” không cấp chứng chỉ để tính điểm! Hầu hết chương trình còn lại dành cho các “xêmine” mà chủ yếu là thầy trò cùng đọc, cùng làm việc trên bản chính (nguyên bản hay bản dịch được thừa nhận) của các tác giả lớn. Từ đó, mới bỏ được tận gốc tệ nạn “thầy đọc trò chép”, và người học có đủ tự tin để trích dẫn, trao đổi, tham bác, nghị luận, hình thành tư duy độc lập và sáng tạo về sau. Và, cũng chỉ cách học ấy mới khiến người ta thấy cần biết bao những bản dịch thật tốt và kịp thời!

+ sách tham khảo là cần, nhưng sách chính bản (Original) là cần hơn. Không nên làm việc ngược đời: sách tham khảo trở thành “chính khóa”, sách chính bản trở thành sách “tham khảo”. Các nhà nho thức thời trước đây (chẳng hạn Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…) đều đã bực mình và lên án “lối học Tổng nho” ấy: sĩ phu chạy theo khoa cử thật ra chỉ học Chu Hy và Bùi Huy Bích chứ ít học Khổng Mạnh và Tứ thư [iii] !

Xét học thuật theo nghĩa rộng là nền tư văn, khoa học của cả nước nhà, ta thấy:

+ “bất học Thi, vô dĩ ngôn”, không “bác lãm quần thư” thì lấy gì để ăn nói với thiên hạ, để có thể tham gia và góp tiếng nói của mình vào cuộc “trăm nhà đua tiếng” trên thế giới?

+ không luyện nội công, chỉ học quyền cước làm sao đủ sức… “hành hiệp giang hồ”? Cũng như trong thể thao… SEA Games thôi, môn nào có đủ “nội lực” thì đi xa, thắng lớn, chưa đủ thì chỉ biết phó cho may rủi. Dịch thuật là tăng nội lực cho số đông để các thế hệ sau bay cao, bay xa. Không có cái nền chung ấy, những “sáng tạo” đột xuất cũng khó có chất lượng ngoài chút hư danh của kẻ “múa gậy vườn hoang” và trái với tính “công truyền” (chứ không phải “bí truyền”) vốn là bản chất của khoa học và với lý tưởng nhân văn, khai sáng của triết học đích thực. Dù cao xa, thâm trầm đến mấy, triết học chưa bao giờ là sự độc thoại, là sản phẩm từ… hư vô mà là sự tiếp tục suy tưởng. Nó là việc kiến tạo liên tục những cuộc đối thoại với các “luật chơi” riêng biệt. Nói như Kant, “một mình mình biết, một mình mình hay”, hoặc không trao đổi, cọ xát rộng rãi, - trước hết với những người trong nước rồi rộng ra nước ngoài - trong tinh thần phê phán và công khai thì đó là cách “hộ tử” (Euthanasie) êm ái nhất đối với triết học!

2. “Làm gì?”

Theo thiển ý, không bao giờ là muộn để cùng nhau bình tĩnh tổ chức việc dịch thuật cho có bài bản. Không nên từ chỗ bỏ bê chuyển sang sự nóng vội. Theo tôi, việc dịch sách triết học có mấy điểm đặc thù sau đây:

a) Tính hệ thống:

Thường xuyên cập nhật một danh mục thật tốt những tác phẩm cần dịch (tiêu biểu cho mỗi thời kỳ, mỗi trường phái, mỗi tác giả…), rồi kiên trì theo đuổi kế hoạch ấy một cách lâu dài [iv] .

Dịch sách chính bản trước, sách tham khảo sau. Sách “nguồn cội” trước, sách “phái sinh” sau (vd: dịch Platon trước Plotin, dịch Kant trước Fichte, dịch Husserl, Heidegger trước Sartre, Gadamer…).

b) Tính giáo khoa:

Sách triết học không chỉ để “thưởng thức” hay “di dưỡng tính tình” ở nơi thanh vắng mà để cùng nhau học trước đã. Vì thế, phải dịch thật kỹ, thật trung thực, có chú thích và chú giải kỹ càng. (Các chú thích, chú giải chỉ nên làm nhiệm vụ giải thích, soi sáng những chỗ khó hiểu. Việc nhận định, phê phán nên dành cho người đọc và nên làm chỗ khác). Luôn ưu tiên nghĩ đến đối tượng đọc và sử dụng là giới sinh viên và nguời nghiên cứu. Tránh tình trạng đọc bản dịch còn khó hơn đọc… nguyên bản! Có nhiều tác phẩm rất kén chọn người đọc và thỉnh thoảng mới cần đến, vì thế cũng không nên đòi phải phổ biến rộng rãi hay có “tác động” thiết thực ngay. Nhưng khi cần đến thì phải có. Các nền học thuật hơn thua nhau là ở chỗ đó.

c) Tính khoa học:

Bản dịch ra đời không phải một lần là xong mà có thể dịch đi dịch lại nhiều lần. Sau khoảng 10, 20 năm, các bản dịch đều cần chỉnh lý lại cho phù hợp với biến chuyển của ngôn ngữ và thuật ngữ. Khuyến khích có nhiều bản dịch khác nhau về cùng một tác phẩm để người đọc chọn lựa, so sánh, đừng ngại mất công hay cho là thừa.

Ở các nước, người dịch thường là người đã nghiên cứu lâu năm về tác giả. Nếu là tập thể dịch giả, thì thường là nhóm “tâm giao”, hiểu nhau và hiểu tác giả để bản dịch có được sự chặt chẽ, “nhất khí”. Chỗ nào không hiểu hay chưa hiểu rõ thì cũng cứ nói ra để người đọc được biết, chẳng xấu hổ gì. Ngay tác giả có khi còn chẳng hiểu được chính mình nữa là!

Bản dịch văn chương có thể bằng hoặc có khi “hay” hơn nguyên bản, thậm chí có “dư địa” cho sự “sáng tạo” của dịch giả (theo nhận xét chủ quan của tôi, có thể lấy ví dụ: bản dịch “Tỳ Bà Hành” của Phan Huy Vịnh, bản dịch “Trường hận ca” của Tản Đà, một hai bản dịch của Bùi Giáng...). Trong triết học, cần dịch đúng và dịch sao cho “có thể đọc được” trước đã, vì như Kant nói “trong lãnh vực này, điều nguy hiểm không phải là bị phản bác mà là không được hiểu đúng” (Phê phán Lý tính thuần túy, Lời Tựa II, BXLIII), do đó các triết gia lớn thường cân nhắc từng chữ, từng ý, đúng với câu “nhất tự thiên kim” mà người dịch không được phép lơ là hay thiếu tinh tế. Do tính nghiêm mật của triết học, dịch sai còn tệ hơn là không dịch vì nó có thể để lại những di hại khôn lường về sau. “Tín, đạt, nhã” là lý tưởng của việc dịch; nếu chưa được cả ba, nên ưu tiên cho chữ “tín”.

Sớm hình thành và hoàn thiện dần một “quy ước” chung, thống nhất về kỹ thuật dịch và cách trình bày bản dịch, xây dựng từng bước một “kho” thuật ngữ và dữ liệu, soạn “từ điển” thuật ngữ về từng tác giả, từng bộ môn (vd: nhận thức luận, đạo đức học,…).

3. Xin hãy “vội vã một cách chậm rãi”!

Trừ những bậc thiên tài về tư tưởng và dịch thuật, thường phải học vài chục năm về một hay vài ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ (ngoài kiến thức chuyên ngành) mới có thể dịch và chú giải sách triết học. Mấy ai có điều kiện ấy? Nên, tình hình cũng thật cấp bách! Số người thuộc chuyên ngành này vốn đã không nhiều; sống lâu ở nước ngoài thì “kém” tiếng Việt; học chuyên ngành và ngoại ngữ ở trong nước năm bảy năm thì chưa đủ, làm sao giải quyết tình trạng ấy?

Theo tôi, chỉ có cách học kinh nghiệm của Ngài Trần Huyền Trang là: đào tạo kiểu “cuốn chiếu”, tổ chức dịch theo mô hình “kim tự tháp” bằng một “công nghệ có tính dây chuyền”.

Lập một “diễn đàn dịch thuật” thường xuyên để trao đổi, học hỏi giúp đỡ lẫn nhau.

Trong bối cảnh một xã hội thông tin và toàn cầu hóa ngày càng phát triển nhanh chóng và không thể đảo ngược, sự tự giác và khả năng tự tổ chức của giới khoa học là quan trọng và cần thiết nhất. Các yếu tố ngoài-khoa học cũng cần nhưng không và không nên để trở thành yếu tố quyết định. Việc hình thành mới đây của “Tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới” là một dấu hiệu tốt theo hướng đó.

Tóm lại, xây nhà thì không thể xây từ nóc; nhưng cái nền tất nhiên cũng chưa phải là ngôi nhà. Công việc xây nền là công việc “khổ sai” âm thầm, nặng nhọc, không thú vị bằng công đoạn… trang trí nội thất. Nhưng, đó là khâu cần hơn hết đến tài nghệ và lương tâm của kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng. Với sự giám sát nghiêm khắc nhưng có viễn kiến của các tổng công trình sư. Vái trời sớm có được những con người đó!

Bùi Văn Nam Sơn (dịch giả)
Về đầu trang


         

  CÔNG TY CP DỊCH THUẬT CHUYÊN NGHIỆP TRẦN PHÚ (TRAN PHU PROTRANS)

Cơ sở 1: 38A Trần Phú - Ba Đình - Hà Nội * Cơ sở 2: 11 Lê Đại Hành - Hai Bà Trưng - Hà Nội * Cơ sở 3: 73 Hồng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tel :84. 4 62956 012 / 666 34 777   *    Fax: 84. 4 6269 2886   *    Mobile: 0976 114 888 - 0964 07 99 55

Email: dichthuattranphu@gmail.com / sales@dichthuattranphu.com.vn * Website: http://www.dichthuattranphu.com.vn

Thiết kế website NTSS Co.,Ltd 2011